From Japanese Mom - Phần 21 – Một ngày ở trường mẫu giáo Nhật Bản
Các mẹ có biết trẻ em mẫu giáo ở Nhật Bản sẽ trải qua những gì khi các bé ở trường mỗi ngày không ? Ở các quốc gia khác nhau sẽ có những phương châm giáo dục dành cho trẻ em mẫu giáo khác nhau, cũng như việc phân bổ thời khóa biểu cho các bé ở trường cũng sẽ khác nhau.
Vì thế, hôm nay, Hajimari Mom muốn kể cho các mẹ nghe chi tiết về một ngày mà các bé sẽ trải qua ở trường mẫu giáo Nhật Bản. Hajimari Mom hy vọng thông qua bài viết này, ngay khi các mẹ ở nhà cũng có thể hình dung được một ngày của các bé yêu ở trường sẽ diễn ra như thế nào .
1. Ở Nhật, trường mẫu giáo là một nơi như thế nào ?
Trường mẫu giáo ở Nhật Bản là nơi trẻ em từ 3 đến 5 tuổi dành cơ bản 4 giờ mỗi ngày để trải qua cùng nhau. Đây cũng là nơi lần đầu tiên các bé có thể cảm nhận rõ ràng được sự tồn tại của các cá thể khác và học cách sống ở môi trường cộng đồng, thông qua việc thể hiện bản thân mình trong một tập thể. Người Nhật cho rằng trẻ em sẽ lớn lên và trưởng thành bằng cách gặp gỡ nhiều đứa trẻ khác nhau, chẳng hạn như những đứa trẻ tinh nghịch, những đứa trẻ ít nói và những đứa trẻ có khiếm khuyết cơ thể ...
Vì là môi trường tập thể nên có những lúc bé sẽ có những khẳng định và thể hiện cái tôi của bản thân như "Con muốn làm thế này" hay "Con muốn làm thế kia".... Khi điều đó xảy ra, xung đột giữa các bé sẽ bắt đầu, nhưng đây cũng là một quá trình rất quan trọng đối với sự trưởng thành của các bé . Từ những chuyện như vậy, từng bước, các bé sẽ thể hiện được năng lực của mình trong môi trường tập thể, được bạn bè công nhận, nhờ vậy càng ngày bé sẽ càng muốn tạo ra những điều hay hơn, tốt hơn, cũng như xây dựng được cho bản thân những mối quan hệ tốt đẹp. Đối với trẻ em, việc vận động chơi đùa ở bãi cát hay chơi các trò chơi đóng vai trong nhà ... đều góp phần vào sự phát triển và trưởng thành của trẻ. Giáo viên sẽ theo dõi quá trình phát triển của mỗi bé, ghi nhận sự tiến bộ và khuyến khích các bé thể hiện năng lực phù hợp với mỗi cá nhân.
2. Một ngày ở trường mẫu giáo
Tiếp theo, Hajimari Mom sẽ kể cho các mẹ nghe lịch học 1 ngày của các bé ở trường nhé.
9h00 : Đến trường mẫu giáo
Thông thường các trẻ em ở Nhật sẽ đi bộ đến trường cùng với ba mẹ, hoặc được ba mẹ chở đi bằng xe đạp, ô tô... Một số trường mẫu giáo cũng có xe đưa đón trẻ tại nhà. Sau khi đến nhà trẻ, các bé sẽ tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân của mình.
9h30 : Tiết học buổi sáng
Các tiết học buổi sáng được tổ chức theo từng lớp, các bé sẽ chào hỏi nhau, điểm danh ... Rồi sau đó sẽ được nghe các giáo viên kể chuyện, cùng nhau hát hoặc đọc thơ ... Vài lần một tháng, cũng sẽ có những tiết học đặc biệt mà tất cả các bé trong trường sẽ cùng nhau sinh hoạt chung.
10h00 : Các bé được chơi tự do và tham gia các hoạt động nhóm
Vào những hôm thời tiết đẹp, các bé sẽ được chơi ở ngoài vườn. Khu vườn ở các trường mẫu giáo thường sẽ có cầu trượt, các trò chơi hoạt động thể chất ngoài trời, khu vui chơi cát ...
Các bé cũng có thể cùng nhau chơi nhảy dây hay tham gia hoạt động chạy thi đua... Vào những ngày mưa, các bé sẽ được tham gia các hoạt động trong nhà như trò chơi xếp giấy origami , vẽ tranh , nặn đất sét , xếp hình ...
Trường mẫu giáo còn thường xuyên tổ chức rất nhiều các hoạt động nhóm khác nhau như đọc sách hoặc viết tiếng Anh, thể dục, trò chơi tập thể hay chơi nhạc cụ...
Ngoài ra, các cuộc thi thể thao, vận động tập thể mà cả trường cùng nhau tham gia cũng được tổ chức định kì, khi đó các lớp sẽ luyện tập cho các bé để cùng nhau tham gia các hoạt động ấy.
11h30 : Bữa trưa
Đối với bữa trưa, một số trường mẫu giáo ở Nhật sẽ nấu bữa ăn trưa cho các bé tại trường, và cũng có một số trường mà bé sẽ phải tự mang cơm hộp ở nhà theo. Các bé sẽ được học các thao tác trên bàn ăn, cách sử dụng các dụng cụ ăn uống như đũa, muỗng .. và cách vệ sinh răng miệng sau bữa ăn.
13h00 : Chơi tự do
Thông thường, các bé sẽ tham gia các hoạt động chơi tự do như buổi sáng.
13h30 : Tiết học buổi chiều
Trong tiết học buổi chiều, các bé sẽ được nghe cô giáo kể chuyện và tổng kết lại một ngày học ở trường của mình. Sau đó các bé sẽ được xem kể chuyện bằng tranh hoặc nghe các cô đọc sách rồi mọi người sẽ cùng nhau hát một bài hát trước khi tạm biệt . Các bé sẽ chuẩn bị thu dọn đồ đạc cá nhân của mình và nhà trường bắt đầu trả bé cho bố mẹ.
14h00 : Trả bé
Phụ huynh sẽ đến nhà trẻ hoặc điểm hẹn đã định để đón các bé.
3. Những điều bé sẽ học tại nhà
Những trường mẫu giáo ở Nhật Bản sẽ không dạy những điều quá cao siêu hay mới mẻ. Chủ yếu sẽ xoay quanh việc cho bé trải nghiệm các trò chơi có thể giúp bé phát huy được khả năng khéo léo, hay các trò chơi vận động cơ thể, thông qua đó bé sẽ học được cách xây dựng các mối quan hệ xung quanh, và trải nghiệm cuộc sống trong môi trường tập thể. Ngoài ra, ở đó, các giáo viên cũng sẽ tạo môi trường để thúc đẩy tính độc lập của các bé " Tôi sẽ làm mọi việc của tôi" - Bé sẽ tự mình được tiếp thu những điều như thế một cách tích cực nhất.
Và việc duy trì thực hành những thói quen đó tại nhà cũng rất quan trọng .Vì vậy, ba mẹ hãy thử áp dụng theo cách dưới đây nhé :
Tạo thói quen chào hỏi
Chào hỏi là bước đầu tiên để xây dựng mối quan hệ với mọi người. Khi mẹ làm gương, chủ động chào các bé hay chào mọi người xung quanh trong những tình huống cụ thể, chẳng hạn như "Chào buổi sáng", "Xin chào" và "Cảm ơn" v.v.. trẻ sẽ có thể tiếp thu thói quen chào hỏi một cách tự nhiên nhất.
Tạo cơ hội vận động cơ thể
Chúng ta không thể chạy bộ hay vận động cơ thể mọi lúc, nhưng nếu có thể hãy tạo ra các cơ hội để cùng đi bộ với các bé lâu hơn khi đi ra ngoài, chẳng hạn như cả gia đình có thể cùng nhau đi dạo ở công viên, hay đi bộ đến những cửa tiệm gần nhà để mua đồ...
Chơi các trò chơi phát huy khả năng khéo léo
Ở Nhật Bản, có rất nhiều gia đình sẽ cùng nhau chơi trò gấp giấy origami, vẽ hay xếp hình.. khi chơi với con để giúp các bé phát huy tối ưu khả năng khéo léo của mình.
Thúc đẩy phát huy tính độc lập của bé
Hãy để con bạn làm những việc mà chúng có thể làm được càng nhiều càng tốt, chẳng hạn như mặc quần áo và chuẩn bị những vật dụng cá nhân khi đi ra ngoài. Khi các bé không thể tự làm tốt một mình, các mẹ có thể chủ động hỏi: "Mẹ giúp con nhé ?" và chỉ giúp đỡ phần công việc mà bé chưa tự làm được. Đồng thời, mẹ cũng có thể nhẹ nhàng hướng dẫn các bé thêm cách để có thể làm tốt những việc ấy theo kinh nghiệm của mẹ. Như vậy các bé sẽ dần có thể hình thành được suy nghĩ " Đây là việc của mình và mình nên tự làm những điều đó". Những suy nghĩ như vậy rất quan trọng để thúc đẩy các bé phát huy được tính độc lập của bản thân.
Các bạn thấy những điều Hajimari Mom đã chia sẻ hôm nay như thế nào? Nếu có thể, hãy thử áp dụng những cách trên để giúp các bé yêu nhà mình có thể phát huy được năng lực của bản thân một cách hiệu quả nhất nhé !!!
Xem thêm : Chuyện Mẹ Mèo - Kì 1 : “Dù mẹ có làm con đau thì con vẫn yêu mẹ mà !!! “