Mama Interview - Mẹ Bỉm Tiến Sĩ: Từ vai trò một giảng viên đào tạo thế hệ tương lai đất nước đến vai trò mẹ bỉm bốn con

 “Tình yêu thương giữa những người trong cùng một gia đình hay thường được xem là “lẽ đương nhiên” nhưng với mình cảm xúc yêu thương vẫn là thứ không nên khiên cưỡng hay ép buộc, không thể bắt hai chị lớn phải yêu thương các em chỉ vì lý do “đó là các em của con mà”- Đó là chia sẻ về quan điểm dạy con của chị Nguyễn Hải Minh khi đến với buổi phỏng vấn Mama Interview của Hajimari Mom lần này.

Chị Nguyễn Hải Minh, sinh năm 1985, tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Nhật ngành Khoa Học Thông Tin, hiện đang là giảng viên tại trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Tp.HCM đã có những chia sẻ rất thực tế và cụ thể về cuộc sống mẹ bỉm cũng như quan điểm nuôi dạy con trong buổi phỏng vấn lần này cùng Hajimari Mom.

Chào chị Hải Minh, hiện tại nhà mình có 4 em bé: 2 bé lớn 8 tuổi, 1 bé 6 tuổi, và 1 em bé 9 tháng rất dễ thương và kháu khỉnh, không biết hành trình làm mẹ của chị Hải Minh như thế nào ?

Dự định ban đầu của vợ chồng mình là sẽ có 2 con, nhưng với quan niệm “Con cái là trời cho” nên khi biết tin có thêm 2 bé sau, vợ chồng mình cũng đã rất hạnh phúc đón nhận. Hiện tại các bé lớn đã đi học ổn định nên việc chăm sóc em bé Emi - 9 tháng là cực nhất. Tuy nhiên vì đã có kinh nghiệm chăm sóc các bé lớn nên mọi thứ vẫn khá là trôi chảy.

Chị Hải Minh và em bé Emi - 9 tháng tuổi

Gia đình đông con tuy khá vất vả nhưng mỗi khi có tiệc mừng hay sinh nhật đều rất nhộn nhịp và vui vẻ. Mình thấy ưu điểm lớn nhất khi có nhiều em bé là lúc ba mẹ đi làm về, không cần phải nghĩ ra trò chơi để chơi cùng con mà các bé có thể tự chơi và tự nghĩ ra đủ trò chơi với nhau rất hay. Hai chị lớn nhà mình cũng đã học được cách tự lập từ rất sớm, hơn nữa còn rất giỏi trong việc phụ mẹ chăm sóc các em nữa.

Chắc hẳn mỗi bé là một hành trình mang thai khác nhau, vậy quá trình mang thai nào là đáng nhớ nhất với Chị Hải Minh?

Mỗi lần mang thai đối với mình đều là một trải nghiệm mới và đáng nhớ. Nhất là với hai bé đầu Mochi và Yuki, do là thai đôi, lại là lần đầu tiên làm mẹ nên mình đã có rất nhiều bỡ ngỡ. Hai bé lại sinh non nên việc chăm sóc rất vất vả so với hai bé sau. Mochi và Yuki khi mới sinh ra chỉ nặng 1,6kg và 1,8kg, không biết bú, mình và ông xã đã phải bơm từng ống sữa 5ml, rơ miệng để tạo phản xạ nuốt cho hai bé. Những lúc bú xong thì cha mẹ phải ấp kangaroo để truyền hơi ấm cho con, ngày cũng như đêm, cả nhà chỉ quay vòng việc: cho ăn, ấp, tắm rửa thay tã... Có khi 4h-5h sáng hai vợ chồng mới ăn bắt đầu ăn cơm tối. Thời điểm đó, kinh tế cũng khá là eo hẹp do mình phải nghỉ làm, ông xã cũng phải ở nhà chăm con phụ vợ. Cũng may mắn là mọi thứ cuối cùng đã trôi qua êm đẹp, mọi thứ hiện tại đã đi vào quĩ đạo và các con giờ cũng đã lớn lên khỏe mạnh.

Hai chị sinh đôi Mochi - Yuki

Vừa làm giảng viên trường Đại học Khoa Học – Tự Nhiên, vừa làm mẹ của 4 em bé, thường thì chị Hải Minh phân bổ thời gian như thế nào để có thể vừa chăm lo cho gia đình vừa hoàn thành công việc giảng dạy?

Ở gia đình mình, vào tùy thời điểm và sự thuận tiện của mỗi người mà mọi người sẽ cùng phân chia công việc nhà với nhau. Ví dụ như ông xã phụ trách việc đưa con đi học, còn mình thì sẽ đón con..

Ngoài ra, mình nghĩ, vốn dĩ mọi chuyện khó mà hoàn hảo, nên để có thể cân bằng giữa việc làm và gia đình thì ở một khoảng thời gian nhất định nào đó một trong hai người phải dành thời gian nhiều hơn cho gia đình hoặc công việc. Lúc ông xã mình vào dự án, công việc không thể thu xếp được thì mình sẽ dành thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn. Và ngược lại, những khi vào mùa cao điểm như phải soạn đề thi, chấm bài thi cho sinh viên.v.v.. thì mình sẽ dành thời gian cho công việc nhiều hơn và khi đó ông xã mình sẽ phụ trách chính việc chăm sóc và dạy dỗ con cái.

Và trên hết, ngay từ đầu, vợ chồng mình đều nhất quán phương pháp rèn cho các con biết tự chăm sóc bản thân và có thể tự giải quyết được những vấn đề cá nhân cũng như tự thỏa thuận, phân công trách nhiệm trong gia đình với nhau ví dụ như: hôm nay ai được chơi đồ chơi mới trước, ai sẽ dọn phòng, ai sẽ tắm trước…  Chính vì rèn cho các bé được điều đó ngay từ còn bé, nên việc chăm sóc 4 em bé của gia đình mình không quá vất vả như mọi người thường nghĩ. Và cũng thật may mắn là mình được sống chung với mẹ ruột nên những khi quá bận rộn, không thu xếp được thì mẹ mình sẽ hỗ trợ mình rất nhiều trong việc nấu nướng.

Theo thông tin mà Hajimari Mom được biết, trước khi kết hôn thì ông xã chị Hải Minh – anh Châu Thành Đức cũng là bạn học thời sinh viên, đồng thời cũng tốt nghiệp chung khóa Tiến Sĩ tại Nhật cùng chị. Vậy hiện tại, chắc hẳn công việc của anh Đức cũng rất bận rộn. Vậy thì anh có thời gian để chia sẻ việc chăm sóc gia đình cùng chị Hải Minh không?

Đúng như Hajimari Mom nói, thật ra, nếu nói về khía cạnh công việc thì ông xã của mình còn bận hơn mình rất nhiều lần, vì anh luôn quan niệm người đàn ông sẽ là người gánh vác kinh tế chính của gia đình nên ông xã mình rất chuyên tâm cho công việc, có những thời điểm anh đi làm đến tận 1h 2h sáng mới về đến nhà. Nhưng ông xã mình vốn dĩ cũng là một người đàn ông hướng về gia đình và rất yêu thương trẻ con nên anh luôn cố gắng hết mức có thể để thu xếp thời gian dù ít ỏi để chơi với con, dạy con học cũng như bằng cách này hay cách khác chia sẻ những việc nhà với vợ.

Vợ chồng mình luôn nghĩ “Công việc sẽ bận cả đời nhưng tuổi thơ của các con thì không thể đợi ba mẹ thôi bận được” nên dù thế nào thì các bé vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong gia đình mình. Vì vậy, những ngày trong tuần ưu tiên công việc thế nào cũng được nhưng cuối tuần là vợ chồng mình nhất định sẽ dành cho con. Những khi đó, vợ chồng mình sẽ thu xếp để cùng nhau đưa các bé ra ngoài chơi, đi ăn, đi bơi, tham gia những hoạt động vận động thể chất hoặc thăm nhà anh chị, bạn bè. Và cứ vài tháng thì cả nhà lại thu xếp về quê nội thăm ông bà, các chị em họ hoặc cho các bé trải nghiệm những chuyến du lịch ngắn ngày.

Là một giảng viên, công việc vốn dĩ gắn liền với việc dạy học cho những thế hệ tương lai cho xã hội. Chị Hải Minh có thể chia sẻ về quan điểm dạy con của mình không? Chị có thường áp dụng phương pháp nào nhất định vào việc dạy các bé không?

Khi có 2 bé đầu, mình tham khảo rất nhiều sách vở và hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ người quen để áp dụng vào việc dạy con. Nhưng sau đó mình đã phát hiện ra rằng vốn dĩ mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và sẽ mang trong mình những tính cách khác nhau. Ngay như hai chị sinh đôi Mochi và Yuki có ngoại hình giống nhau như đúc nhưng tính cách hai bé lại khác nhau một trời một vực. Do vậy mình không thể áp dụng cứng nhắc một phương pháp nào cho việc dạy các bé mà phải quan sát thật kĩ để hiểu được tính cách từng bé rồi nương theo đó mà áp dụng phương pháp phù hợp. Ví dụ như Tamago – bé trai thứ ba của mình, là một cậu bé tuy bề ngoài khá bướng bỉnh, khư khư ý kiến của mình nhưng khi quan sát thấy Tamago rất thích những lời nói dịu dàng, nên khi muốn thỏa thuận điều gì với bé, mình tuyệt đối không lớn tiếng mà kiên nhẫn từ tốn nhẹ nhàng giải thích bằng những lý lẽ thuyết phục thì Tamago lại trở nên ngoan ngoãn nghe lời mẹ răm rắp.  

Mình luôn chú trọng việc dạy nhân cách cho con hơn là dạy con học giỏi. Tiên học lễ, hậu học văn. Trong đó quan trọng nhất là dạy cho bé lòng biết ơn, và tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình. Trong quá trình dạy học ở trường đại học, mình cũng cố gắng truyền tải thông điệp về lòng biết ơn và chịu trách nhiệm cho các bạn sinh viên.

Các con có thể học Toán không giỏi, làm Văn chưa hay, nhưng nhất định phải có lòng biết ơn đối với ba mẹ, ông bà, thầy cô đã nuôi dưỡng, dạy dỗ mình. Mình luôn dạy con biết nói lời cám ơn khi ai đó giúp đỡ mình dù là những việc rất nhỏ. Ví dụ : “Cảm ơn bà ngoại đã nấu cơm cho con” hay “Cảm ơn mẹ đã mua sách cho con “ hoặc Cảm ơn chú tài xế taxi, grab sau mỗi chuyến xe.. Mình tin từ lòng biết ơn, con sẽ biết cách tôn trọng những người xung quanh, lễ phép với người lớn tuổi và đặc biệt là sẽ không trở thành những đứa trẻ đòi hỏi vô lý, xem mình là trung tâm của vũ trụ.

Bên cạnh đó, từ việc biết chịu trách nhiệm, con sẽ được tôi rèn bản lĩnh, tự đứng lên sau những vấp ngã trong cuộc đời sau này mà không đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh hay những sự việc không liên quan.

Mình nhớ có một hôm bé Tamago - em bé thứ ba nhà mình, có xảy ra xô xát với một bạn khác trong lớp, sau khi nghe con kể lại câu chuyện và xác nhận với cô, thì lỗi do cả 2 phía, nhưng việc đánh nhau trong lớp là sai, mình phân tích cho con hiểu hành động đó là xấu, nhắc nhở về việc con làm tổn thương bạn, trước tiên con phải xin lỗi bạn về việc đó, và chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Đồng thời đưa ra hình phạt cụ thể là hôm đó, con không được đi chơi cùng hai chị. Tamago rất buồn, cảm thấy mình bị đối xử không công bằng, nhưng sau khi bình tâm suy nghĩ lại, con đã tự hiểu ra vấn đề, và nói với mẹ “Mỗi buổi đi học, mẹ nhớ nhắc con giữ bình tĩnh nha mẹ, do con sợ con quên, nếu mẹ nhắc 1 lần mà con chưa nhớ, thì mẹ nhắc 2 lần, 3 lần nha mẹ!”. Vì bình thường Tamago khá là nóng tính và khó kiểm soát cảm xúc của bản thân nên mình rất bất ngờ và xúc động với câu nói đó của con, một đứa bé chỉ mới 6 tuổi đã hiểu được điểm yếu của bản thân và cố gắng khắc phục nó theo cách của mình. Hy vọng tương lai con sẽ trở nên bản lĩnh, dám làm dám chịu.

Bé Tamago

Theo mình, cốt lõi của việc dạy con của mình nằm ở chỗ luôn luôn trao đổi, nói chuyện thẳng thắn cùng con về bất kỳ vấn đề gì con thắc mắc, hoặc mẹ thấy con cư xử chưa đúng. Nhờ vậy, các con mình luôn sẵn sàng chia sẻ với mẹ tất cả các vấn đề trong cuộc sống cũng như học tập.

Do mình có nhiều con, nên vấn đề mà mình được hỏi nhiều nhất là làm cách nào để các con thương yêu nhau, không tranh giành, tỵ nạnh nhau. Lời khuyên của mình là, ba mẹ phải là quan tòa công tâm nhất, chia đều tình thương cho các con, để những đứa trẻ lớn không có cảm giác ba mẹ có em rồi hết thương mình. Tình yêu thương giữa những người trong cùng một gia đình hay thường được xem là “lẽ đương nhiên” nhưng với mình cảm xúc yêu thương vẫn là thứ không nên khiên cưỡng hay ép buộc, không thể bắt hai chị phải yêu thương các em chỉ vì lý do “đó là các em của con mà”. Tình yêu thương phải xuất phát từ trái tim thì mới là tình cảm chân thành và có thể tồn tại mãi mãi.

Chính vì vậy, khi mình mang thai bé thứ ba, mình đã rất chú trọng vấn đề này. Mình đã cố gắng để chứng minh cho Mochi và Yuki thấy rằng sự xuất hiện của em không hề làm thay đổi tình yêu thương mà mẹ dành cho 2 con. Mỗi khi hai chị muốn chơi với mẹ, cần mẹ, mình đều cố gắng giành thời gian cho các con, luôn thể hiện bằng cả lời nói và hành động thực tế là mẹ thương hai đứa và rất quan tâm đến hai đứa, đặc biệt là mẹ không hề thiên vị em. Mặc dù em nhỏ hơn, nhưng không phải em muốn gì là chị đều phải nhường. Mình dạy các con phải biết tôn trọng lẫn nhau. Em muốn chơi đồ chơi của chị, em phải xin phép, chị muốn chơi đồ chơi của em, chị cũng phải hỏi ý em. Ở nhà mình không có khái niệm mặc định lớn là phải nhường nhỏ hay nhỏ là được đòi hỏi chị mọi việc. Nhờ vậy, các con mình luôn rất yêu thương nhau, chị hai còn phụ mẹ chăm em út rất nhiệt tình nữa. Mỗi khi có tranh giành giữa các chị em, mẹ phải lắng nghe từ tất cả các phía rồi phân xử cho công bằng, thì các con mới có thể cùng nhau cảm thấy vui và hạnh phúc. Mình lấy ví dụ, có lần Tamago và chị hai Mochi chạy giỡn, chị hai đụng trúng Tamago, anh ấy vừa khóc vừa về méc mẹ chị hai làm con đau. Thay vì la mắng chị hai Mochi làm chị, lớn hơn mà sao không cẩn thận đụng em đau thì mình bắt cả hai kể lại quá trình sự việc đã xảy ra như thế nào. Cuối cùng, kết luận là cả hai đều có lỗi, chị hai Mochi có lỗi là đang chạy nhanh, em đuổi theo sau, chị hai dừng lại đột ngột rồi quay lại nên em dừng không kịp đụng trúng tay chị, còn em thì có lỗi chạy mà không nhìn phía trước, chỉ lo nhìn dưới chân nên không thấy chị đứng lại. Sau khi được mẹ phân xử công bằng, hai chị em xin lỗi nhau, ôm nhau vui vẻ rồi làm lành, không ai giận ai nữa.

Mình không dám chắc quan điểm của mình có chính xác hay không nhưng nó phù hợp với gia đình mình và các con mình đều chấp nhận một cách vui vẻ.

Khi chọn trường học cho con, chị Hải Minh có điều gì lưu ý đặc biệt không? Với chị, như thế nào là một ngôi trường tốt? Ngoài giờ học ở trường, chị có cho bé tham gia các khóa học ngoại khóa khác không?

Các con mình từ nhà trẻ, mẫu giáo đến tiểu học đã qua khá nhiều trường nên mình hiểu nỗi trăn trở này của các mẹ bỉm, nhưng thật sự sẽ không có ngôi trường nào tốt nhất, mà chỉ có ngôi trường phù hợp với con mình nhất. Hiện giờ cả 3 bé đầu của mình đều đã vào tiểu học và may mắn các con đang được học trong những ngôi trường phù hợp với năng lực và tính cách của mình. Thầy cô yêu thương và không áp đặt thành tích, các con đi học cảm thấy vui, có nhiều bạn bè, thích thú khi đến trường. Về học ngoại khóa, mình chỉ cho con đi học bơi và học võ, để cải thiện sức khỏe là chủ yếu, vì hai bé sinh non cơ địa hơi yếu, còn bé thứ 3 thì thường bị bệnh về hô hấp nên cũng cần cho bé chơi thêm thể thao để nâng sức đề kháng. Mình hoàn toàn không cho con đi học thêm các môn chính khóa như toán, tiếng Anh, … Thời gian rảnh, mình cho các con chơi cùng nhau, vừa giúp các con thư giãn sau giờ học, vừa giúp gắn bó tình chị em.

Chị Hải Minh có điều gì muốn nhắn gửi đến các mẹ bỉm khác không ?

Có con là một hành trình học hỏi của người mẹ. Mình đã phải học liên tục từ lúc mang thai đến con vào nhà trẻ, con vào lớp 1, sắp tới sẽ là con vào tuổi dậy thì, …. Chặng đường làm mẹ sẽ theo mình cho đến cuối cuộc đời, và mình hạnh phúc vì được làm mẹ. Chúc cho các bà mẹ khác cũng sẽ bằng cách riêng của mình, trải qua con đường trách nhiệm ngọt ngào này một cách nhẹ nhàng.

Hajimari Mom cảm ơn chị Hải Minh đã dành thời gian để cùng chia sẻ với độc giả về cuộc sống cũng như hành trình làm mẹ thật đáng nhớ của mình. Chúc chị Hải Minh và gia đình luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Riêng chị Hải Minh, sẽ thành công hơn nữa trên con đường đã chọn.

 

Previous
Previous

CUỘC THI VẼ TRANH : GIA ĐÌNH CỦA EM

Next
Next

From Japanese Mom - Phần 22 – Cách tạo thời gian cho bản thân của các mẹ bỉm đi làm