Phát triển năng khiếu tiềm ẩn trong con
Những điều nên và không nên để giúp phát triển năng khiếu tiềm ẩn của trẻ nhỏ
Mẹ có từng thắc rằng liệu “tài năng, năng khiếu” có phải là khả năng từ khi con mới sinh ra đã có được? Hay được nuôi dưỡng và tạo nên? Sự thật là, năng khiếu trong trẻ có thể phát triển nhờ vào quá trình nuôi dưỡng, dạy dỗ hằng ngày từ cha mẹ. Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ chia sẻ đến mẹ những cách giúp thúc đẩy, phát triển những năng khiếu trong trẻ.
Cách tìm thấy năng khiếu tìm ẩn trong con
Muốn phát triển một năng khiếu, trước hết cần tìm hiểu năng khiếu đó là gì. Để đạt được điều đó, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự tò mò của trẻ. Đặc biệt trong độ tuổi ấu thơ, trẻ sẽ có nhiều sự hứng thú với mọi điều xung quanh. Nếu trẻ thực sự thích thú và yêu thích một điều cụ thể và được gia đình tạo điều kiện để thực hiện những điều đó, sẽ là một khởi đầu rất tốt cho con. Nếu vẫn chưa biết năng khiếu của trẻ là gì, hãy tạo cơ hội cho con trải nghiệm thật nhiều điều. Những lớp học năng khiếu như khiêu vũ, ca hát, bóng đá, nấu ăn, xếp giấy origami,… sẽ thúc đẩy sự tò mò và niềm yêu thích của trẻ.
3 cách tiếp cận để phát triển năng khiếu của trẻ
Nếu mẹ tìm thấy thứ gì đó mà trẻ yêu thích, hãy tạo một môi trường để con có thể phát huy hết khả năng của mình. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu 3 cách giúp mẹ hỗ trợ để năng khiếu trong trẻ được nâng cao.
Dành tình yêu thương cho trẻ
Một đứa trẻ khi nhận được nhiều sự yêu thương từ gia đình sẽ có ý thức khẳng định bản thân cao hơn và có thể tự tin làm việc. Nếu trẻ cảm nhận được bản thân luôn được gia đình yêu thương, hỗ trợ, trẻ sẽ tự tin tiếp nhận mọi thử thách ngay cả khi thất bại. Mẹ nên bày tỏ tình yêu thương đến con qua cử chỉ, hành động âu yếm, và đặc biệt là lời nói. Vì đôi lúc trẻ sẽ chưa thể hiểu hết những tình yêu thương qua hành động, những hy sinh của cha mẹ. Do đó, truyền đạt bằng ngôn từ là cách cơ bản và hiệu quả nhất để con có thể cảm nhận được điều này. Hãy luôn nhớ rằng, tình yêu thương mà con nhận được từ gia đình, chính là nền tảng vững chắc để con phát triển năng khiếu của bản thân.
Không can thiệp quá nhiều vào suy nghĩ của trẻ, mà hãy bình tĩnh quan sát con
Đôi lúc, khi mẹ nhìn vào những việc trẻ làm, mẹ sẽ muốn sửa theo cách của bản thân và ngăn cấm không cho con làm điều đó nữa. Tuy nhiên, trẻ chỉ có thể biết và hiểu điều nào là đúng khi được tự mình trải nghiệm. Bởi vì cảm thấy tiếc nuối hay đau vì những điều gặp phải, trẻ sẽ tìm cách để khắc phục điều đó cho lần sau. Vì vậy, hãy bình tĩnh dõi theo và quan sát trẻ. Tự trải nghiệm sẽ giúp con mạnh mẽ và kiên định hơn.
Không la mắng khi con thất bại
Để phát triển năng khiếu, thất bại là một việc không thể thiếu. Nếu gia đình liên tục trách mắng khi trẻ thất bại, con sẽ sợ nhận thử thách và không thể phát triển. Thất bại chính là lúc mà trẻ tìm kiếm lối đi đến thành công của bản thân. Do đó, cho dù con thất bại bao nhiêu lần, điều quan trọng là mẹ không nên la mắng trẻ. Hãy cùng con tìm hiểu nguyên nhân và hỗ trợ trẻ khi cần thiết.
Những điều không nên làm để phát triển năng khiếu trong con
Bên cạnh những cách giúp con phát triển tài năng của bản thân, sẽ có một số cách vô tình khiến con mất đi điều này. Đặc biệt, hãy cố gắng tránh làm những điều này bởi không chỉ làm mất đi năng khiếu trong con, mà còn có thể khiến tâm lý của con bị tổn thương sâu sắc.
Nói những lời không hay về vợ/ chồng hay cãi nhau trước mặt trẻ
Việc cãi vã trước mặt con cái hay nói xấu đối phương là một việc không bao giờ nên làm trong quá trình nuôi dạy trẻ nhỏ. Khi trẻ nhìn thấy cha mẹ la mắng nhau, trẻ sẽ trở nên sợ hãi và điều này vô tình khiến con thu mình lại. Ngoài ra, nếu trẻ nghĩ rằng cha mẹ cãi nhau vì việc bản thân làm, con sẽ lớn lên với sự phủ nhận bản thân, không còn tự tin vào chính mình.
Phủ nhận tài năng trong con
Phủ định những điều trẻ muốn làm sẽ khiến con dần đánh mất đi tài năng trong bản thân. Hãy dừng việc dành những lời tiêu cực và phủ nhận như “Điều này không hợp với con”, “Con không được làm điều đó”. Hãy cố gắng tạo môi trường phát triển về mọi mặt dành cho trẻ.
Đặt ra những hình phạt
Để phát triển tài năng của trẻ, điều quan trọng là trẻ phải tự giác làm việc mình muốn. Chính vì vậy, khi cha mẹ áp đặt những hình phạt, sẽ khiến con dần không muốn làm và mất đi hứng thú với niềm yêu thích của bản thân.
Áp đặt giá trị của riêng con
Ngay cả khi chúng ta có mối quan hệ cha mẹ - con cái. Nhưng giá trị của mỗi người sẽ khác nhau. Do đó, việc áp đặt giá trị bản thân lên con là điều không nên trong quá trình giáo dục trẻ. Đặc biệt khi cha mẹ áp đặt, và mong muốn con phát triển ở những lĩnh vực mà cha mẹ đã chọn cho trẻ. Điều này sẽ không thể giúp thúc đẩy những năng khiếu tiềm ẩn trong con mà có thể vô tình dập tắt đi điều đó. Hãy nuôi dưỡng ý thức tự khẳng định bản thân trong con bằng cách hỗ trợ và cho con làm những điều bản thân muốn làm.
Sự trưởng thành của cha mẹ là một chìa khóa quan trọng
Cha mẹ trưởng thành mang ý nghĩa là sự phát triển, thấu hiểu trong quá trình nuôi dạy con trẻ. Cha mẹ thật sự trưởng thành khi hiểu rõ quan điểm của con và không giúp đỡ con quá mức. Đôi khi, cha mẹ không thể hiểu được điều trẻ muốn làm và muốn la mắng, ngăn cản con. Trước hết, cha mẹ cần bình tĩnh nhìn nhận, quan sát, và tạo điều kiện cho con được làm điều bản thân mong muốn. Cùng con phát triển và trưởng thành, sẽ là một cách hiệu quả nhất để thúc đẩy, phát triển năng khiếu tiềm ẩn trong con.