HAJIMARIMOM.com

View Original

Tại sao trẻ lại không thích chơi với bạn?

Khi trẻ vào mẫu giáo hay cấp một, thì mối quan hệ bạn bè của trẻ nhỏ cũng sẽ càng mở rộng hơn. Và nhiều lúc con trẻ sẽ có những cuộc hẹn với bạn sau những giờ học. Thế nhưng, nếu sau giờ học con không đi chơi với bạn, thì chắc có lẽ sẽ có nhiều bà mẹ lo lắng rằng liệu có phải con không có bạn hay không? Hay con đang bị bắt nạt trên lớp? Việc trẻ ở một mình sau giờ học thì không có gì đáng lo ngại cả, thế nhưng nếu việc này xảy ra thường xuyên, sẽ khiến nhiều bà mẹ phải suy nghĩ và lo lắng cho con. Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ nói đến lý do tại sao trẻ lại không chơi với bạn. Và mẹ nên làm gì khi con gặp phải tình trạng như thế.

Lý do gì khiến “trẻ không chơi với bạn?”

Mẹ đã từng nghĩ đến lý do vì sao trẻ không thường xuyên chơi với bạn chưa? Mẹ đừng chỉ nhìn vào việc vì trẻ không chơi với bạn mà nghĩ rằng “trẻ giao tiếp kém”, “tương lai sẽ gặp nhiều trắc trở”. Mà việc quan trọng là mẹ nên tìm hiểu lý do vì sao con lại không chơi cùng bạn bè.Trong trường hợp mẹ thấy rằng con muốn chơi cùng bạn nhưng không thể hòa nhập vào nhóm bạn ấy, sẽ tốt hơn hết là mẹ hãy gọi trẻ lại gần và hỏi thật kỹ rằng con đang cảm thấy thế nào. Nếu trong trường hợp trẻ đang bị bắt nạt trên lớp, thì cần có những biện pháp thích hợp để giải quyết điều đó. Thế nhưng,mẹ cũng không cần lo lắng khi dù không có những khó khăn khi chơi với bạn, trẻ vẫn muốn chơi một mình. Những lúc như thế, cha mẹ nên chấp nhận và quan sát trẻ.

Tâm lý của trẻ nhỏ khi “Không chơi cùng bạn bè”

Khi những đứa con xinh xắn của bạn không chơi cùng bạn bè, thì đó là một biểu hiện của tâm lý ở trẻ. Mẹ sẽ càng cảm thấy lo lắng rằng không biết liệu “Con có cảm thấy cô đơn hay không?”. Hãy cùng tìm hiểu tâm lý của trẻ khi con không chơi với bạn mẹ nhé!

Trẻ thật sự muốn ở một mình

Có rất nhiều lý do khác nhau khiến trẻ thích chơi một mình. Như là “Trẻ thích đọc sách hơn là chơi với bạn”, “Trẻ thích nơi yên tĩnh hơn là những nơi ồn ào”, “Bởi vì không hòa thuận với bạn bè nên trẻ thấy chơi một mình sẽ thoải mái hơn”. Cũng có những lúc trẻ đang say sưa với một món đồ nào đó, nên trẻ cũng sẽ trở nên trầm tính, ít nói. Việc trẻ chơi một mình không chỉ là do trẻ muốn chơi cùng bạn nhưng không thể hòa nhập được, mà nhiều khi cũng chỉ vì là trẻ “thích ở một mình” hơn là “chơi cùng bạn bè”

Trẻ cảm thấy mệt mỏi với bài vở và trường học

Khi trẻ phải thay đổi một môi trường mới, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi và có tâm lý rằng chỉ muốn “về nhà và nghỉ ngơi”. Mặc dù chúng ta sẽ luôn nghĩ rằng trẻ nhỏ rất hồn nhiên và ngây thơ, sẽ không biết mệt mỏi là gì. Nhưng tới một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ bắt đầu nhận thức được cảm giác mệt mỏi. Nên là đôi khi trẻ chỉ muốn có một lịch trình cho bản thân với suy nghĩ là: “Hay là hôm nay mình về nhà nghỉ ngơi và đọc sách cho khỏe nhỉ”.

Không thể hòa hợp với bạn bè xung quanh

Cho dù là người lớn thì không phải ai trong chúng ta cũng sẽ hòa hợp được với tất cả mọi người ở chỗ làm. Mỗi chúng ta sẽ có những nhóm người hợp gu riêng của bản thân. Cho dù chúng ta gặp mặt và được người khác giới thiệu rằng “Người này tốt lắm đấy”, thì đôi lúc chúng ta cũng sẽ cảm thấy rằng “Không hợp lắm nhỉ”. Trong thế giới của con trẻ chúng ta cũng sẽ tồn tại những mối quan hệ như thế. Vì vậy mà nhiều khi trẻ không thích chơi với bạn vì chưa tìm được người bạn nào hợp với mình.

Những điều mẹ nên làm khi trẻ không muốn chơi với bạn

Mặc dù chúng ta hiểu rằng trẻ em cũng có những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn muốn con “học cách kết giao và mở rộng các mối quan hệ”. Vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu đến mẹ những cách để giải quyết khi trẻ không muốn chơi với bạn.

Hãy dõi theo trẻ

Cách đầu tiên chính là dõi theo trẻ. Trẻ con vẫn chỉ là trẻ con. Trẻ dành cả khoảng thời gian của mình ở trường học rồi trở về nhà. Sau khi trải qua một ngày mệt mỏi ở trường và trở về nhà, trẻ chỉ muốn được nghỉ ngơi và làm những điều mình thích. Nhưng những lúc này trẻ bị cha mẹ hỏi rằng “Con không đi chơi với bạn hả?”, “Ở trường con không có bạn sao?”. Điều đó đã vô tình khiến cho trẻ cảm thấy bị áp lực. Mặc dù nhiều bậc cha mẹ sẽ luôn so sánh rằng “Con nhà người khác thì đi chơi với bạn, còn con mình thì….” Nhưng cha mẹ nên hiểu rằng tốc độ phát triển và trưởng thành ở mỗi trẻ sẽ khác nhau. Vì vậy, khi mẹ theo dõi con và nhận ra rằng “Có vẻ hôm nay con muốn chơi một mình nhỉ?”, thì mẹ hãy để cho trẻ được tự do thoải mái làm những điều mình thích. Nhờ vào việc dõi theo trẻ mà mẹ cũng sẽ dễ dàng nhận thấy những thay đổi nhỏ ở trẻ.

Hãy quan sát trẻ

Mặc dù điều này có lẽ sẽ có một sự giống nhau với việc “dõi theo trẻ” ở điều trước, nhưng quan sát trẻ lại đóng vai trò rất quan trọng. Mẹ có đang gặp phải tình trạng rằng chỉ biết “Con không có bạn để chơi cùng”? Mẹ có thấy được con đến trường với cảm xúc như thế nào không? Con trở về nhà với vẻ mặt như thế nào? Mẹ hãy thường xuyên quan sát những điều như thế nhé.Nếu con luôn trở về nhà với vẻ mệt mỏi và gương mặt buồn rầu, mẹ cần phải có những cách giải quyết thích hợp. Khi trẻ trở về nhà với gương mặt tươi vui, và trẻ kể với mẹ về những gì trẻ làm được ở trường, thì khả năng cao là trẻ đã trải qua một ngày rất vui và thoải mái. Khi mẹ quan sát trẻ mỗi ngày thì cho dù trẻ không nói gì cả nhưng mẹ cũng có thể nhận ra trẻ đang cảm thấy thế nào. Vì vậy, điều đầu tiên là mẹ hãy bắt đầu quan sát trẻ một cách thật kỹ càng mẹ nhé.

Hãy tiếp xúc với trẻ khi ở nhà

Với phương pháp này, đối với những trẻ sau lớp ba, vì con đã lớn hơn một chút nên nhiều trẻ sẽ không thích cảm giác này. Vì vậy mẹ hãy xem thời điểm thích hợp để áp dụng cách này nhé. Khi trẻ ở nhà và cảm thấy buồn chán, mẹ hãy cùng trẻ trò chuyện, cùng trẻ làm một việc gì đó.Ví dụ như khi trẻ đi học về, trẻ không làm gì khác ngoài việc xem tivi, mẹ hãy cùng trẻ làm điều gì đó cùng nhau như chơi game cùng trẻ, hay nhờ trẻ phụ mẹ nấu ăn. Thế nhưng, nếu bạn kêu trẻ cùng làm quá nhiều thứ, có khả năng sẽ khiến trẻ khép mình lại. Vì vậy, hãy rủ rê trẻ ở một mức độ thích hợp thôi nhé.

Hỏi thăm thầy cô tình hình của trẻ ở trường

Có nhiều lúc trẻ không giỏi trong việc truyền đạt ngôn từ, vì vậy trẻ thường im lặng để tránh bị cha mẹ hiểu lầm. Cùng trao đổi với người lớn nhiều khi sẽ là điều tốt hơn để có thể hiểu được ý của nhau. Do đó, mẹ nên trao đổi cùng cô chủ nhiệm của trẻ và các bà mẹ khác trong lớp để hiểu thêm tình hình của con mình.Vậy thì mẹ đã có thể an tâm hơn khi thấy con không chơi với bạn chưa? Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý rằng nếu mẹ biết được những tình huống nghiêm trọng như là trẻ bị bắt nạt ở trường, thì hãy nhanh chóng bàn bạc với gia đình và giáo viên để có những can thiệp kịp thời mẹ nhé.